Tập thể nghiên cứu Sinh vật phù du biển là đơn vị nghiên cứu khoa học về sinh vật phù du (plankton) được tách ra từ phòng Nguồn lợi thủy sinh. Ngay từ những ngày đầu tiên của năm 1999, với diện tích 12m2 vừa là phòng làm việc vừa là phòng thí nghiệm với 3 cán bộ bao gồm 2 thạc sĩ và 1 cử nhân, lúc đó tổ trưởng là ThS Nguyễn Ngọc Lâm. Sau 4 năm hoạt động, Viện Hải Dương Học, đã thành lập Phòng Sinh vật phù du Biển theo Quyết định số 34/QD-HDH ngày 28 tháng 03 năm 2003 và giao cho TS. Nguyễn Ngọc Lâm làm trưởng phòng với nhân sự cho đến nay bao gồm 7 biên chế và 1 hợp đồng dài hạn và 1 hợp đồng ngắn hạn, trong đó có 1 GS (TS, NCVCC), 1 PGS (TS, NCVC), 1 TS (NCVC), 3 ThS, 2 CN và 1 Nghiên cứu sinh.

Cho đến nay, các nhà khoa học của đơn vị được mời tham gia giảng dạy tại các trường đại học KHTN (Tp. Hồ Chí Minh), trường đại học Đà Lạt, và trường Đại học Tây Nguyên. Có 4 nghiên cứu sinh đã hoàn thành luận án Tiến sĩ và 5 NCS đang thực hiện dưới sự hướng dẫn của các nhà khoa học trong phòng Sinh vật phù du Biển. Tập thể phòng cũng đã hướng dẫn hơn 20 học viên cao học (có 4 học viên nước ngoài) đã bảo vệ thành công học vị Thạc sĩ. Hầu hết các nhà khoa học của phòng đã tham gia các khóa tập huấn ngắn và dài hạn, hội thảo khoa học Quốc tế và đều có thể giao tiếp và làm việc với các nhà khoa học nước ngoài bằng tiếng Anh.
Ngoài nhiệm vụ tham gia đào tạo thường xuyên tại các trường đại học, phòng còn tham gia tổ chức các lớp tập huấn ngắn hạn về sinh học và phân loại vi tảo dành cho các nhà khoa học /giảng viên trẻ từ các trường /viện. Các khóa học tiên tiến về sinh học – hải dương phối hợp với các nhà khoa học Đức (dự án VG 2006), Đan Mạch (2009-2012) và Hoa Kỳ (VEF 2013) cũng được tổ chức tại phòng Sinh vật phù du Biển.


Từ các đề tài /dự án nghiên cứu khoa học, từ năm 2004 đến nay, tập thể phòng đã công bố trong và và ngoài nước khoảng 150 công trình khoa học, trong đó khoảng 40 bài báo trong hệ thống ISI (SCI và SCI-E) và kỷ yếu hội nghị khoa học Quốc tế, 3 sách chuyên khảo Quốc tế và 3 sách chuyên khảo trong nước. Các nhà khoa học của phòng đã công bố 3 loài sinh vật phù du mới cho khoa học bao gồm 2 loài vi tảo hai roi (Dinoflagellates) là Alexandrium gaaderae L. Nguyen-Ngoc & J. Larsen, 2004; A. globosum Lam Nguyen-Ngoc & Jacob Larsen, 2004; và một loài giáp xác chân chèo (Copepoda) là Tortanus (Atortus) vietnamicus Shuhei Nishida a& Cho Nguyen, 2005. Gần 100 loài sinh vật phù du mới được ghi nhận lần đầu ở Việt Nam đã và đang được mô tả.
Từ những thành quả đào tạo và nghiên cứu khoa học nêu trên, tập thể phòng Sinh vật phù du đã được Chủ tịch Đặng Vũ Minh cấp bằng khen vào năm 2007, Chủ tịch Châu Văn Minh cấp bằng khen cho GS. Nguyễn Ngọc Lâm vào năm 2010 do có thành tích xuất sắc trong hợp tác với Philippines, các viên chức của phòng trong nhiều năm liền hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc và là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. PGS. TS. Đoàn Như Hải được các nhà khoa học Hoa Kỳ mời tham gia khảo sát Nam cực và được Quỹ Khoa học Quốc gia (NSF), Hoa Kỳ tặng bằng khen do hoàn thành tốt nhiệm vụ nghiên cứu.
Tháng 5/2012, phòng sinh vật phù du được chọn và có tên trong danh sách là một trong những tập thể mạnh của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Nguồn tin: GS. TS. Nguyễn Ngọc Lâm – Viện Hải dương học